Nhật ký thiêng liêng (08/6/2025): Món quà cho người đang đau
————Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng từng thấy nhói lòng khi biết mình bị bôi xấu sau lưng.
Những lời ấy có thể đúng, có thể sai. Nhưng điều làm ta đau không hẳn là nội dung, mà là cái cảm giác bị đẩy ra ngoài vùng ánh sáng của sự hiện diện và thấu hiểu.
Như thể ta không còn là một con người đang sống, mà chỉ là một chủ đề, một mẩu chuyện làm vui nơi bàn trà.
Nản.
Thế nhưng, đôi khi, ta cũng từng góp mặt trong những cuộc đàm tiếu như thế.
Những cuộc trò chuyện bắt đầu bằng câu:
“Tôi không muốn nói xấu ai, nhưng…”
và kết thúc bằng một chuỗi phỏng đoán chắc nịch, có khi lẫn vào đó là vài câu vô thưởng vô phạt,
nhẹ như tơ
nhưng rát như lửa.
Như thể ta là một vị quan toà. Chỉ thiếu chiếc áo choàng và tiếng búa gõ nơi tụng đình.
💌💌💌
Thành thật thú nhận:
Nói xấu sau lưng ai đó có một sức hút kỳ lạ. Ngọt ngào. Lôi cuốn.
Như làn khói xì gà len lỏi vào tâm hồn, gợi cảm giác thân mật, đồng minh. Như thể ta và người kia đang cùng đứng về một phía “sáng” hơn.
Dường như, trong khoảnh khắc đó, ta được nâng lên.
Nhưng tất cả chỉ là một làn khói mỏng, tan lặng trong mây chiều.
💌💌💌
Sau những cuộc trò chuyện như thế, khi tiếng cười kiêu hãnh đã rơi rớt lại sau, lòng ta thường lặng đi, trong một thứ mỏi mệt không gọi được tên.
Một vết xước nhẹ nơi lương tri.
Một âm vang gõ khẽ của Thần Khí, nhắc ta rằng:
Bình an không thể nở hoa từ những lời dèm pha.
💌💌💌
Ta tự hỏi:
Có bao giờ ta tưởng tượng người ấy đang ngồi ngay trước mặt mình không?
Có bao giờ ta nghĩ rằng, sau hành động nói xấu thầm lén kia,
ta có thực sự nhận được điều gì tốt đẹp hơn không?
Hay chỉ là cách băng vội một vết thương chưa lành?
Một cách khỏa lấp nỗi sợ.
Nỗi sợ không tên,
như lũ trẻ thường hát to khi đi ngang qua nghĩa trang.
Và sâu hơn nữa:
Ta đã bao giờ thật sự đặt mình vào hoàn cảnh của họ chưa?
Giá như tôi lớn lên trong một gia đình có người cha nát rượu, người mẹ lầm lỡ,
không ai dạy tôi về lễ nghĩa, tình thương, bao dung, thành tín, niềm vui… tôi sẽ ra sao?
Không đi ăn trộm thì cũng lạc loài bên lề xã hội.
Không sa ngã thì cũng dặt dẹo chẳng ra gì.
Cuối con đường, có lẽ không chỉ tệ hơn họ, mà còn là trại giam.
💌💌💌
Chúng ta thường lên tiếng từ một vị trí an toàn:
một mái ấm tử tế, một tấm bằng đại học, một địa vị đáng kính.
Nhưng chính từ nơi an toàn ấy, thay vì khiêm nhường, ta lại dễ rơi vào tự tôn.
Ta huyễn hoặc mình là người nắm rõ lẽ phải. Là rốn vũ trụ. Trung tâm của mọi đức hạnh.
💌💌💌
Sự thật là:
Ta dễ trượt chân vào lối mòn.
Nói về người khác để khỏa lấp nỗi bất an trong chính mình.
Nói người khác “thấp xuống”, ta thấy mình được “cao lên”.
Nhưng cái cao ấy chỉ là ảo ảnh.
Như bong bóng nước căng phồng mà rỗng ruột.
Như căn nhà lung linh sắc màu nhưng mục ruỗng bên trong.
💌💌💌
Muốn giữ cho lòng mình còn chút thư thái, có lẽ, ta cần bắt đầu từ những điều rất nhỏ. Như em bé bắt đầu tập đi xe.
Trước khi buông lời về một ai đó vắng mặt,
hãy dừng lại vài giây.
Lặng lòng.
Đặt mình vào chỗ đứng của họ.
Hãy nhớ:
Chính ta cũng đang đi trong đêm đen của cuộc đời mình, với nhiều vấn đề nhiễu nhương và những góc khuất bí ẩn.
Và họ cũng vậy. Thân phận kiếp người!
💌💌💌
Mỗi lần ta nín lặng trước một lời nói xấu sắp buông ra,
là mỗi lần lòng nhân trong ta được giữ lại.
Không thêm một hạt bụi nào vào đôi mắt vốn đã cay của tha nhân.
💌💌💌
Thánh Phaolô viết:
“Ai tưởng mình đang đứng vững, hãy coi chừng kẻo ngã.” (1 Cr 10,12)
Khi thấy ai đó rơi vào vòng xoáy nghiệt ngã,
hãy thinh lặng ngắm nhìn, không phải dửng dưng vô cảm hay để xét đoán,
mà để chính mình biết cẩn thận hơn.
Đó mới là đứng vững thật.
💌💌💌
Lạy Chúa,
xin gìn giữ miệng lưỡi con trong giờ yếu mềm.
Xin dạy con yêu người bằng cách im lặng đúng lúc,
vì sự thật không cần ồn ào,
và lòng nhân không cần tán dương.
An bình không nằm nơi những lời nói vuột ra,
mà trong tấm lòng biết khi nào nên nín lặng, làm thinh.Antonio Nguyễn Quang Tuấn
———————–