• Nhật ký thiêng liêng (09/6/2025): Có một người Mẹ gom nhặt mảnh vỡ trái tim ta
      ——————

      Ai trong chúng ta lại không mong một đời an yên, hạnh phúc?
      Từ khi còn thơ dại,
      ta đã mơ một mái nhà ấm áp,
      một cuộc sống không sóng gió,
      không tổn thương.
      Ta từng nghĩ hạnh phúc là được đủ đầy, được yêu chiều, không bệnh tật, không muộn phiền.

      Lớn lên, ta nhận ra:
      hạnh phúc như ta từng hình dung
      chỉ là một điều quá mong manh.
      Xa tầm với. Lạnh lẽo.
      Cuộc sống không hiền lành như ta hằng mong đợi.
      Khắc nghiệt. Lặng câm.
      Và chẳng đoái hoài đến những ước mơ nhỏ bé
      ta từng ôm ấp, nâng niu như báu vật trong lòng.

      Chúng ta loay hoay trong bất an.
      Nhiều người tìm đến tướng số, phong thuỷ, cúng sao, giải hạn, đổi hướng nhà, trồng thêm cây…
      như thể chỉ cần xoay chuyển vài yếu tố, đời sẽ khác đi.
      Nhưng càng làm, càng thấy lòng mình trống trải hơn.
      Có người tuyệt vọng đến mức chọn quyên sinh, như một lối thoát khỏi bế tắc khôn cùng.

      💌💌💌

      Là người Công giáo, ta vẫn trải qua nhiều cung bậc khổ đau như thường.
      Nhiều khi còn thấy đời sống thêm phần trắc trở hơn những ai không tin.
      Bị bạc đãi. Bị chê cười. Bị đẩy ra bên lề.
      Khi ta chọn từ chối những điều được xem là bình thường
      vì hai chữ: đức tin.

      Ta cầu nguyện, tha thiết van xin. Chúa lặng thinh.
      Ta đến với Mẹ Maria
      Mẹ chỉ nhìn ta bằng ánh mắt dịu dàng, như đã từng nhìn Con Mẹ ngày xưa. Bất lực.

      Ta từng tự hỏi: nếu Mẹ là Mẹ Thiên Chúa,
      sao Mẹ không cứu ta khỏi những lưỡi dao cùn
      vẫn âm thầm cứa vào từng ngày sống,
      làm lòng ta rỉ máu mà chẳng ai hay?

      Nhưng rồi ta nhìn vào đời Mẹ,
      và ta hiểu.

      Mẹ không có kim bài miễn trừ đau khổ.
      Mẹ không được sống dễ dàng hơn ai,
      mà có lẽ còn đau hơn tất cả.
      Câu nói của cụ Simêon nơi Đền Thờ:
      “Và chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà.” (Lc 2,35)
      như định mệnh
      in bóng vào suốt cuộc đời Mẹ.

      Một lưỡi gươm vô hình,
      từng ngày xuyên qua lòng Mẹ. Nhức.

      Lúc Mẹ bồng con trốn chạy đêm tối.
      Lúc không ai hiểu Con của Mẹ là ai.
      Và nhất là khi Mẹ đứng dưới chân thập giá,
      nhìn Con mình hấp hối, bị nhạo báng như một tội nhân. Nghiệt ngã.

      Không ai đụng vào nỗi đau ấy,
      nhưng Mẹ đã đi qua.
      Nên chúng ta biết: mình không phải là những người đầu tiên.
      Mỗi khi thấy tim mình rớm máu vì cuộc đời, ta có thể ngước nhìn Mẹ
      và biết rằng có một trái tim khác cũng đã từng vỡ vụn như thế.

      Mẹ không than trách, không bỏ chạy.
      Mẹ chỉ đứng. Lặng lẽ.
      Mẹ biết đó là ngôn ngữ
      mạnh hơn mọi gào thét của đau đớn. Không phải cam chịu.
      Mà là yêu thương.

      Chính trong khoảnh khắc ấy, Đức Giêsu nhìn xuống từ thập giá và nói với người môn đệ:
      “Này là con của Mẹ.” (Ga 19,26)
      Từ lúc ấy, Mẹ không chỉ là Mẹ của Đức Kitô, mà trở thành Mẹ của Hội Thánh. Mẹ của chúng ta.

      💌💌💌

      Hội Thánh Mẹ cưu mang
      không phải là Hội Thánh không tì vết,
      mà là thân thể rướm máu,
      với những vết thương loang lổ từ trong ra ngoài.
      Bị bách hại. Bị hiểu lầm. Bị chối bỏ.
      Và nhiều khi,
      chính chúng ta
      những người con của Hội Thánh
      lại là người gây đau cho nhau.

      Nhưng Mẹ không quay mặt.
      Mẹ không lánh xa.
      Mẹ đứng đó, kiên nhẫn,
      bên những vết thương không ai muốn chạm vào.
      Không trách. Không xét xử.
      Chỉ cúi xuống với đôi tay hiền mẫu,
      và ủ ấm Hội Thánh trong lòng yêu thương.

      💌💌💌

      Hôm nay là ngày lễ Mẹ Hội Thánh.
      Ta được nhắc nhớ một sự thật dịu dàng:
      trên hành trình đầy thử thách này,
      ta không bước đi một mình.

      Không ai được hứa một đời không nước mắt,
      nhưng chúng ta có Mẹ
      đồng hành,
      ôm lấy ta trong từng thập giá đời mình.

      Có thể ta không nghe thấy tiếng Mẹ.
      Nhưng Mẹ ở đó. Đứng vững. Dịu hiền.
      Như từng ở bên Con Mẹ trong giờ hấp hối.
      Mẹ không làm phép lạ xoá hết những đắng cay,
      nhưng Mẹ nâng đỡ ta sống can đảm để vượt qua mọi ghềnh thác cuộc đời.

      Chúng ta đón Mẹ vào nhà mình
      như người môn đệ xưa
      không phải để Mẹ xua tan mọi vấn đề rắc rối,
      mà để có một người luôn hiện diện trong bóng tối
      nhắc ta rằng:
      trong thẳm sâu đau khổ,
      tình yêu vẫn còn đó,
      và ân sủng vẫn chảy ngầm như suối trong lòng đá.

      “Chính trong đau khổ, chúng ta được an ủi nhờ Thiên Chúa là Cha của lòng thương xót.” (2 Cr 1,4)

      Antonio Nguyễn Quang Tuấn
      ———————