Nhật ký thiêng liêng (12/6/2025): Dịu lại trái tim
——————Chúng ta sống giữa muôn vàn mối quan hệ.
Những mắt xích lặng lẽ mà không thể tách rời khỏi đời sống.
Sống với, sống cùng, sống cho…
Và đôi khi, sống giữa những người mà ta chẳng thể hiểu nổi, chẳng thể hình dung, chẳng dễ chịu khi gần.Có những người, chỉ cần hiện diện là lòng ta thấy bình an.
Nhẹ như một làn gió thoảng. Như hương thơm dìu dịu.Cũng có những người, dù chẳng nói lời nào, vẫn mang theo sự căng thẳng khó gọi tên.
Một ánh mắt,
một tiếng thở dài,
một sự hiện diện vô hình…
đủ khiến lòng mình khép lại, như hoa trinh nữ buồn.Người ta gọi đó là năng lượng:
tốt – xấu.
Nhưng có lẽ, “năng lượng” chỉ là cách nói hiện đại
cho một điều rất xưa:
sự tương hợp, hay không tương hợp giữa những tâm hồn.💌
Chúng ta không được tạo nên để sống một mình, như ốc đảo lặng lẽ giữa sóng nước mênh mông.
Con người được đặt trong tương quan để lớn lên, để soi chiếu chính mình, và để học yêu.
Tương quan là nơi ta được chữa lành, cũng là nơi ta bị tổn thương.
Là nơi Thiên Chúa thánh hoá ta,
và cũng là nơi Ngài mời gọi ta từ bỏ chính mình.
Mỗi ngày. Từng chút.💌
Nhưng sao cuộc đời lại giăng ra nhiều đổ vỡ đến thế?
Sao việc sống với nhau – dù cùng một mái nhà, cùng một lý tưởng, thậm chí cùng một đức tin – lại nhiều mâu thuẫn đến vậy?Có lẽ bởi vì, từ sâu thẳm, ta vẫn mang trong mình những thương tích chưa lành của tội nguyên tổ.
Dù đã được cứu chuộc, ta vẫn rất dễ nghi ngờ, dễ tự vệ, dễ so sánh và chiếm hữu, hơn là tin tưởng và trao ban.
Và những năm tháng sống trong một thế giới đầy ganh đua, ích kỷ, tổn thương
càng khiến ta quen hơn với phản xạ khép kín.Ngay từ khởi đầu,
con người đã trốn tránh Thiên Chúa và đổ lỗi cho nhau.
Đó là vết rạn đầu tiên trong tương quan.
Và từ đó, mọi mối liên hệ đều mang trong mình một khoảng lệch.
Không dễ gì liền lại chỉ bằng thiện chí hay vài lời hay ý đẹp.💌
Vì thế, ngoài sự cố gắng, chúng ta cần ân sủng.
Chỉ có ân sủng mới giúp ta không bị mắc kẹt trong vòng xoáy của tổn thương và phản ứng.
Chỉ có ân sủng mới làm dịu lại những căng thẳng trong lòng,
và mở ra một lối sống nhân hậu hơn.
Không phải vì người kia dễ thương hơn,
mà vì tình yêu trong ta đã trở nên sâu và trưởng thành hơn.Ân sủng không đưa ta đến một thứ hoà bình giả tạo,
nhưng dẫn ta về một đích điểm thật:
tình yêu tự huỷ của Đức Kitô.
Tình yêu không sống theo cảm xúc, nhưng theo Thánh Ý.
Tình yêu không cần giống nhau mới tôn trọng,
không cần đồng thuận mới yêu thương.
Một tình yêu biết ở lại, ngay cả khi chưa hiểu.
Biết lắng lại, ngay cả khi chưa được dịu dàng.💌
Và trong ánh sáng ấy,
ta nghe lại lời của Chúa Giêsu:“Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ,
mà sực nhớ có người anh em đang có điều bất bình với anh,
thì hãy để của lễ lại đó,
đi làm hoà trước,
rồi trở lại dâng lễ vật của mình.” (Mt 5,23–24)Lời ấy không chỉ là một quy tắc đạo đức.
Đó là cửa ngõ dẫn vào sự thánh thiện thật.
Vì tình yêu Thiên Chúa không bao giờ tách khỏi tình yêu tha nhân. Dù người ấy dễ chịu hay không.💌
Và thế là, ta học bước đi chậm lại.
Không còn vội vàng đánh giá.
Biết im lặng thay vì phản ứng.
Biết rằng, mỗi người mang trong mình một lịch sử, một vết thương,
một cách nhìn đời rất khác với ta.Tôn trọng sự khác biệt không phải là thoả hiệp.
Đó là một hình thức khiêm nhường. Khi ta nhận ra mình không phải trung tâm của thế giới.
Và đôi khi,
trong mắt người khác,
chính ta mới là người khó ở gần.💌
Chúng ta không xây dựng những tương quan lành mạnh chỉ để làm đẹp cuộc sống.
Ta cố gắng,
vì tin rằng trong từng nỗ lực âm thầm ấy,
Thiên Chúa đang thánh hoá ta.💌
Lạy Chúa,
xin cho con biết nhẫn nại,
biết dịu lại…
để có thể ở mãi
với những ai Ngài đã đặt bên con.💌💌💌
(Gợi hứng từ lời Chúa hôm nay, thứ 5, tuần X)Antonio Nguyễn Quang Tuấn
————————-