• Nhật ký thiêng liêng 19/6/2025: Khi con tim cất tiếng, khuôn thước trở nên mềm

      💌
      Trước cuộc sống đôi khi chao đảo,
      ta thường thấy mình lo sợ, thiếu tự tin.
      Ngày mai rồi sẽ ra sao?
      Liệu mình còn thở nổi không?
      Có đủ an toàn không? Có còn hạnh phúc, ấm êm như từng mong đợi?
      Những dự tính chắt chiu, những ước mơ ấp ủ,
      liệu có xuôi chèo mát mái?

      Bởi ta đã từng kinh qua đau khổ.
      Từng nếm mùi trắng tay.
      Từng cảm nhận rõ ràng rằng: vận may lãng quên tên mình.

      Và rồi, khi bất an dâng đầy…
      Lướt qua dòng đời, ta thấy không ít người vội tìm đến những chốn linh thiêng.
      Khói hương dâng ngút ngàn.
      Lễ vật bày biện trang nghiêm.
      Lời cầu xin thốt lên, mang theo nỗi lo, niềm mong,
      và cả những khắc khoải chưa thành lời.

      Ta tự hỏi, nếu thần thánh nào cũng nghe và ban phát mọi lời khấn như thế,
      thì cuộc đời này sẽ ra sao?
      Còn gì là công bằng?
      Và trao ban, liệu còn giữ được ý nghĩa nào không?
      Sự hiện diện của khổ đau, được hiểu thế nào?
      Hay tất cả chỉ còn là một cuộc chạy đua lấy lòng các quyền lực vô hình?
      Một cuộc đổi chác tinh vi, khoác chiếc áo tôn giáo?

      💌
      Rồi tự nhủ:
      ngay cả người tin Chúa, nếu đời sống nội tâm chưa đủ sâu,
      cũng dễ sống như thể: tin là để xin, cầu nguyện là để mặc cả với ân phúc.

      Người ta mong Chúa can thiệp vào hoàn cảnh bên ngoài,
      nhưng lại ngại để Ngài chạm đến những gì sâu kín bên trong.

      Và rồi, người ta ngồi đó, chờ đợi…
      mong phép màu thay cho nỗ lực hy sinh.
      Cuộc sống cứ thế ngả nghiêng,
      khi đức tin chỉ còn đọng lại trên môi.

      💌
      Người ta kể rằng, xưa có ba vị ẩn sĩ sống đơn sơ trên một hòn đảo xa.
      Họ chẳng biết kinh nào, chỉ biết cầu nguyện thế này:
      “Lạy Chúa Ba Ngôi, chúng con có ba đứa, xin thương xót chúng con.”
      Ngây ngô là thế.
      Vậy mà khi họ đi trên mặt nước để xin học lại lời kinh vừa quên,
      vị giám mục chỉ biết cúi đầu thưa nhỏ:
      “Các thầy cứ cầu nguyện như cũ.”

      Một lời nguyện đơn sơ mà chạm được đến Thiên Chúa.
      Không phải vì câu chữ, mà vì lòng tin.
      Không phải vì khuôn thước, mà vì sự chân thành.

      💌
      Cũng chính giữa bao nỗi mỏi mòn và toan tính,
      Chúa Giêsu đã dạy ta một lời cầu nguyện rất khác.
      Không rườm rà. Không nài xin. Không lải nhải.
      Chỉ là một lời thưa nhẹ nhàng mà đầy tín thác:
      “Lạy Cha chúng con ở trên trời…”

      Không phải là những lời ta thêm vào,
      mà chính là những điều ta dám bớt đi:
      bớt lo, bớt đòi hỏi, bớt nghi ngờ…
      để giữ lại một lòng tin nhỏ bé,
      như hạt cải bám chặt vào khoảnh đất cằn khô.
      Âm thầm bám rễ. Âm thầm lớn lên.

      Như ánh đèn dầu.
      Vẫn cháy. Vẫn sáng.
      Dù gió trời đong đưa,
      và ngày mai còn đó những chông chênh.

      💌
      Danh Cha cả sáng
      khi ta sống thật giữa đời:
      không quanh co,
      không bẻ cong lẽ phải.

      Nước Cha trị đến
      khi ta chọn yêu thương,
      chọn lắng nghe,
      chọn ở lại bên người khác trong lúc họ yếu lòng.

      Ý Cha thể hiện
      mỗi khi ta dám bỏ mình,
      để nhường chỗ cho tình liên đới lên tiếng.

      Không cần phép màu.
      Không cần đợi đủ đầy.
      Chỉ cần một trái tim biết trao ban.
      Một bàn tay không rút lại.
      Một ánh mắt biết dừng lại để nhìn người khác là anh em.

      Từng hành vi nhỏ bé ấy… là Kinh Lạy Cha sống động.
      Là Nước Trời đang lớn lên, dù rất âm thầm.

      “Nước Thiên Chúa đang ở giữa anh em.” (Lc 17,21)

      💌
      Và có lẽ, điều Chúa mong nhất nơi ta,
      không phải là những lời cầu nguyện đúng công thức,
      mà là một con tim biết cất tiếng.
      Một con tim biết run rẩy, biết chờ mong,
      Và thì thầm thưa tiếng “xin vâng”.
      Dù phía trước còn mù mờ.
      Dù chẳng có gì là chắc chắn.

      Vì chính trong khoảng mù ấy,
      đức tin bắt đầu.
      Và khi con tim cất tiếng,
      mọi khuôn thước cũng trở nên mềm.

      💌💌💌
      Antonio Nguyễn Quang Tuấn
      (Gợi hứng lời Chúa thứ 5, tuần XI 19/6/2025)
      ——————