• Nhật ký thiêng liêng 30/6/2025: LÀ CÂY CẦU GỖ NHỎ NỐI ĐÔI BỜ LẶNG LẼ KHÔNG TÊN

      Mỗi ngày, xã hội lại sinh ra vô số nghề nghiệp.
      Thượng vàng hạ cám, đủ cả.
      Có nghề được trân trọng gọi là “cao quý”. Có nghề xem ra thấp kém, dù đã nhiều lần cố công nâng hình ảnh.
      Có nghề theo cả đời. Có nghề chỉ theo mùa vụ.
      Nhưng nhìn cho kỹ, nghề nào cũng đáp ứng một nhu cầu nào đó của con người.

      Trong số đó, có một thứ “nghề”, mà nhiều lúc chẳng được gọi là nghề. Đó là: cò.

      Cò đất, cò giấy, cò xe, cò việc…
      Nghe có vẻ tiêu cực.
      Nhưng nếu nhìn sâu hơn, người “cò” chính là người hiểu chuyện ở giữa.
      Họ không có sổ đỏ, không ra giá, không đưa ra quyết định,
      nhưng họ biết ai cần gì, ai đang có gì, và ai đang chờ ai.

      Họ nối kết hai bên vốn chẳng thể tự tìm đến nhau.
      Họ điều tiết những chênh lệch, làm mềm những góc cạnh,
      và nhất là giữ cho dòng trao đổi không bị đứt đoạn.
      Nhờ họ, mọi việc có thể diễn ra nhanh hơn, gọn hơn, rõ ràng hơn.
      Giảm bao rắc rối, bớt bao lần đi lại.

      Nhiều khi, thành hay bại, chỉ trong một nốt nhạc.

      Cò không chỉ có trong kinh tế,
      họ còn hiện diện trong chính trị, như những nhà vận động hành lang giữa các quốc gia, những lobby thầm lặng.
      Là cầu nối giữa các phe phái thù địch,
      là người xuất hiện khi các nhà ngoại giao chính thức đã không còn tìm được tiếng nói chung.
      Họ tìm một lối ra,
      giữ lại thể diện cho cả đôi bên.

      Trong chuyện hôn nhân đại sự, ngày xưa không thể thiếu bà mối.
      Bà không yêu giùm ai, không cưới thay ai,
      nhưng bà biết gợi chuyện, mở lời, kết nối hai người “tình trong như ý” còn ngần ngại, cách xa.
      Bà không là nhạc trưởng của bản tình ca,
      nhưng nếu thiếu bà, bản nhạc ấy có thể chẳng bao giờ bắt đầu.

      Còn con thoi trong khung cửi:
      nó không tạo sợi, không dệt hình, không nhuộm màu,
      nhưng lại là thứ duy nhất biết chạy qua chạy lại giữa hai đầu,
      để làm nên một tấm vải liền mạch, không rách.
      Nó là hình ảnh sống động của những người giữ hoà khí trên trường quốc tế, quốc gia.

      Tất cả họ – người cò, bà mối, lobby, con thoi – đều sống ở giữa.
      Không thuộc về một phía.
      Nhưng giữ được cả hai đầu dây,
      và giữ cho nó không đứt.

      🍀
      Trong đời sống đức tin, cũng có những người sống giữa.
      Họ không nắm quyền, không phát lệnh,
      nhưng họ là nơi hai bờ xa có thể lặng lẽ tìm thấy nhau.

      Họ không nổi bật, không chính thức, nhưng cần thiết.
      Vì họ cầu thay.
      Vì họ giữ nhịp.
      Vì họ sống ở giữa:
      giữa trời và đất, giữa tội lỗi và hy vọng, giữa công lý và lòng thương xót.

      🌾
      Ápraham – “người cầu thay” nổi bật trong Kinh Thánh

      Khi Thiên Chúa chuẩn bị phạt thành Xơđôma và Gômôra,
      Ápraham không đứng ngoài.
      Ông không bênh vực kẻ ác, cũng chẳng phản đối Thiên Chúa.
      Ông chỉ nhẹ nhàng bước vào khoảng giữa ấy
      khoảng không gian mong manh giữa huỷ diệt và hy vọng.

      Ông không giảng đạo, không hùng biện,
      chỉ thưa lên một lời đơn sơ:
      “Nếu còn năm mươi người công chính, Ngài có huỷ cả thành không?”
      Rồi ông xin dần xuống: bốn mươi lăm… ba mươi… hai mươi… mười…

      Ông thương lượng, không phải cho mình,
      mà cho những người ông chưa từng gặp mặt.
      Chỉ vì tin rằng nếu còn một chút gì đáng thương,
      thì ân sủng vẫn có thể giữ lại sự sống cho một cộng đồng đang mục ruỗng.

      Ápraham có “vị thế” trong lòng Thiên Chúa.
      Không vì ông thánh thiện vượt bậc,
      mà vì ông dám tin.
      Dám cầu thay.

      🌾
      Đức Giêsu – cây cầu sống động giữa hai bờ

      Nếu Ápraham là người cầu thay,
      thì Đức Giêsu là Đấng Trung Gian tuyệt đối.

      Người không đứng giữa để phân xử,
      Người đứng giữa để gánh.

      Gánh lấy tội lỗi nhân loại,
      gánh lấy thập giá công lý,
      gánh lấy khoảng cách không ai có thể vượt qua.

      Người có điểm với cả hai phía:
      Là Con Thiên Chúa, và là con của loài người.
      Người nối hai bờ bằng chính thân thể mình
      bằng một cái chết âm thầm,
      để công lý không bị phản bội,
      và lòng thương xót vẫn có đường đến với nhân loại.

      🌾
      Đức Maria – người mở lối cho lòng thương xót

      Ở tiệc cưới Cana, khi người ta hết rượu,
      Mẹ không dạy đời, không dài dòng.
      Chỉ nhẹ nhàng thưa với Con Mình:
      “Họ hết rượu rồi.”

      Một lời ngắn, nhưng đủ để mở đường cho phép lạ đầu tiên.
      Mẹ không đòi hỏi, không ra lệnh.
      Chỉ khơi dậy lòng thương xót vốn đã đầy tràn trong trái tim Chúa Giêsu.

      Mẹ có uy tín trong mắt Con,
      và có chỗ trong lòng nhân loại.
      Mẹ không là đích đến,
      Mẹ là người mở lối
      giữ cho ơn cứu độ có thể tìm đến trần gian.

      🌾
      Những người vô danh: con thoi giữa trời và đất

      Không ai nhớ tên người phụ nữ nghèo ngày ngày lần chuỗi cầu cho nhân loại.
      Không ai nhắc đến vị ẩn sĩ đã dâng đời mình cầu cho những người chưa từng gặp.
      Không ai biết đến người giáo lý viên thầm lặng hy sinh làm việc lành chỉ để cầu nguyện cho đứa học trò bỏ Chúa từ lâu.

      Nhưng chính họ là con thoi
      chạy qua chạy lại giữa trời và đất,
      giữ cho mối liên kết thiêng liêng không bị đứt rời.

      Các thánh không chỉ là mẫu gương của một thời,
      các ngài là người cầu thay mãi mãi,
      giữ cho thế giới còn được đỡ nâng
      khi lòng tin chưa kịp trở lại.

      🌾
      Mỗi người cũng được mời gọi sống giữa

      Không ai quá nhỏ bé để không thể cầu thay.
      Không ai quá tội lỗi đến mức không thể thưa lên:
      “Xin thương lấy nó, vì con cũng từng như thế…”

      Người đứng giữa không phải là người tranh lý.
      Không phải là người làm trung gian danh lợi.
      Người đứng giữa là người biết yêu cả hai phía.
      Biết điều Chúa mong, và hiểu điều người thiếu.
      Biết gánh một chút mỏi mệt, để người khác có thể bước tiếp.

      🌾
      Người giữ nhịp là người biết nói với cả hai phía

      Người cầu thay không chỉ biết thưa với Chúa,
      mà còn dám thì thầm với con người.
      Dù rất nhẹ, nhưng vẫn phải nói.

      Không để kết án.
      Không để răn đe.
      Chỉ để gợi lại trong lòng người một chút ánh sáng,
      và nhắc với Thiên Chúa rằng:
      trái đất này vẫn còn những con tim đáng để thương.

      🌾

      Lạy Chúa,
      xin cho con sống như người giữ nhịp,
      giữa những đoạn đứt gãy của thế gian,
      giữa những mối tương quan rách nát,
      giữa một người không còn đủ tin để cầu nguyện,
      và Chúa là Đấng nhân hậu, chậm bất bình, giàu ân nghĩa.

      Xin cho con biết mở lời khi cần thiết,
      biết thinh lặng khi nên im,
      biết dâng lên Chúa những mảnh vỡ của người khác,
      như chính những điều con đã từng trải.

      Và nếu con bị lãng quên,
      xin cho con đủ vui,
      vì biết rằng Chúa chẳng bao giờ quên người đã dám sống giữa
      vì tình thương.

      🍀
      Antonio Nguyễn Quang Tuấn
      (Gợi hứng từ bài đọc 1: St 18,16-33, thứ 2 tuần 13 Quanh năm)
      ————————