• Nhật ký thiêng liêng 9/7/2025: HỒN QUÊ LẠC TRÔI NƠI PHƯƠNG TRỜI XỨ LẠ

      💌 Ai cũng biết, miền Trung quanh năm nắng gió. Mưa bão lầm lũi nối tiếp nhau kéo về như điểm hẹn quen thuộc. Đất đai cằn cỗi. Đồng chua nước mặn. Đời sống lam lũ, vất vả triền miên.

      Vậy mà, nếu có dịp ghé thăm những làng quê Nghệ An, Hà Tĩnh, ta dễ bắt gặp những căn nhà cao tầng khang trang, những biệt thự lộng lẫy hiện ra giữa ruộng đồng. Ranh giới giữa nông thôn và thành thị dường như đã nhòa đi.

      Vì đâu?

      Nói một cách đơn giản: đó là nhờ kiều hối. Những đồng tiền “nhập khẩu” được đổi bằng mồ hôi, nước mắt, và cả tuổi thanh xuân của biết bao người con xa quê. Họ lặn lội, ngược xuôi khắp thế giới. Cần cù, chịu thương, chịu khó. Không chỉ để mưu sinh, mà còn để nuôi sống một gia đình, một xóm làng, một quê hương.

      💌 Cha ông ta vẫn nói: “Đói thì đầu gối phải bò.” Chính cái đói và khát vọng đổi đời đã không làm chùn bước bao người con xứ Nghệ. Từng đoàn người nối nhau rời làng, mang theo bịn rịn của mẹ cha, và cả mùi ruộng đồng còn bám trên những đôi giày nhoem nhuốc.

      Họ đến Nhật, Hàn, Đài Loan, rồi sang tận trời Âu, nước Mỹ. Ở đó, có những người hòa nhập nhanh, giỏi nghề, biết tiết kiệm, tích góp. Có những em sinh ra bên xứ người, học giỏi, nói trôi chảy tiếng bản địa, và rồi không còn hiểu tiếng quê.

      Giữa cuộc sống bấp bênh về mọi thứ: kinh tế, chính trị, y tế, giáo dục, an sinh xã hội, bảo hiểm… họ dường như đã tìm được một sự bảo đảm nơi xứ người. Như đoàn người năm xưa đã gặp Giu-se, họ cũng cảm thấy mình được an toàn. Được bảo vệ. Được sống.

      Nhưng rồi nếp sống cũ dần nhạt. Họ văn minh hơn, sành điệu hơn. Nhưng chuyện đạo thì thưa dần. Nhiều người trẻ ít đến nhà Chúa. Một phần vì công việc vắt kiệt thời gian. Một phần vì đức tin không được giữ lửa. Không còn ai nhắc. Không còn ai nâng đỡ.

      Trong gió lốc của hưởng thụ và chủ nghĩa sống nhanh, họ gác lại chuyện cầu nguyện, chuyện nhà thờ, chuyện linh hồn. Nghĩ đơn giản: đời còn dài, mai này già, về quê rồi giữ đạo sau cũng chưa muộn. Nhưng họ quên mất: đức tin không phải là vật lưu kho, càng không thể chuyển giao bằng lời dặn dò suông.

      Một thế hệ lặng lẽ trôi. Và lũ trẻ lớn lên nơi xứ người, trong một ngôi nhà Việt, nhưng không còn nhớ nguồn cội. Chúng không biết tới ông bà, tổ tiên, gốc gác, càng không biết tới Chúa là ai. Không phải vì chúng khước từ, mà vì chẳng ai đủ giờ để kể cho chúng về những buổi chiều thả diều trên đồng quê lộng gió, về những bắp ngô nướng cháy vừa ăn vừa thổi, về những cái bánh nhỏ được chèn vào nồi bánh chưng cận Tết. Không ai kiên trì ủ ấm cho chúng bằng những lời kinh đầu ngày, những buổi lễ cuối tuần, những thánh giá nhỏ treo trong phòng.

      💌 Trong nỗi niềm ấy, tôi nghĩ về đoàn người Israel đã rời quê hương để đến với miền Ai Cập xa xăm. Để tránh đói. Để được sống có tương lai.
      Tại nơi đó, họ đã gặp Giuse, người từng bị bán đi, từng bị quên lãng, nhưng lại trở thành khí cụ cứu sống cả một dân tộc.

      Câu chuyện ấy như một bóng dáng tiên báo cho bao phận người hôm nay: cũng rời quê vì miếng ăn, vì một mái nhà đủ ấm, vì những đứa con cần được học hành và lớn lên. Và giữa hành trình ấy, họ đã gặp được một chốn an toàn hơn. Nhưng có thể vì thế, họ cũng bắt đầu đánh mất điều gì đó sâu xa hơn.

      Dân Israel năm xưa đã ở lại Ai Cập quá lâu, đến độ quên mất tiếng gọi ban đầu từ Thiên Chúa của tổ tiên họ. Để rồi, cần đến một cuộc xuất hành đầy nước mắt và kỳ công, mới có thể trở về cội nguồn.

      💌 Liệu có một cuộc xuất hành nào chờ đợi chúng ta hôm nay? Không phải là trở về địa lý, mà là trở về đức tin, trở về với hồn quê xứ Nghệ, nơi căn tính được tái sinh, và những đứa trẻ Việt lớn lên nơi đất khách vẫn có thể cúi đầu làm dấu thánh giá, vẫn biết gọi “Lạy Cha chúng con ở trên trời” bằng một thứ tiếng không phải của quốc gia, nhưng của gia đình, của linh hồn.

      Và biết đâu, giữa quê người, vẫn có một Giu-se.
      Đó là một người cha, một người mẹ, một người trẻ đang lặng thầm sống trọn lòng với Chúa,
      để nhờ đó, đức tin còn được giữ lại,
      và sự sống thiêng liêng vẫn được gìn giữ vẹn nguyên nơi phương trời xứ lạ.

      💐
      Antonio Nguyễn Quang Tuấn
      (Gợi hứng bài đọc 1, thứ 4 tuần 14, năm lẻ, St 41,55-57 ; 42,5-7.17-24а)