NIỀM CẬY TRÔNG TỪ VỰC THẲM KHI TIM ĐÈN CÒN KHÓI (Nhật ký thiêng liêng 19/7/2025)
1.
Không ai dạy ta cách thất bại.
Cũng chẳng ai dạy ta cách đón nhận đau khổ.
Và chưa từng có ai đủ sức chỉ cho ta cách đứng dậy sau một lần ngã quỵ.
Lắm khi, tất cả những gì họ có thể làm chỉ là an ủi và khích lệ.
Phần còn lại, ta phải tự mình bước qua.
Bởi vì họ không đứng ở nơi vực thẳm mà ta đang rơi.Mỗi đổ vỡ mang một dáng hình riêng, nhưng đều để lại dấu vết nơi lòng ta: bối rối, hụt hẫng, và có thể là tuyệt vọng.
Chúng ta lớn lên với mong mỏi phải thành công, phải làm rạng danh cha mẹ, phải “đạt được” điều gì đó để chứng tỏ mình không vô dụng. “Phải có danh gì với núi sông.” Cuộc sống như một trận chiến: căng thẳng, nghiệt ngã, cạnh tranh khốc liệt. Có lúc thắng thua không chỉ vì năng lực, mà còn vì may mắn.
Nhưng rồi có một ngày:
Một kỳ thi không như mong đợi.
Một cánh cửa du học tưởng nắm chắc, bỗng vuột khỏi tay.
Một lá thư từ chối học bổng. Một vòng tuyển dụng bị loại. Một lần gãy gánh giữa đường.
Và ta thất thểu bước về, chẳng biết nói sao với người đã tin mình.Có em ngồi một mình nơi cuối lớp, mắt đỏ hoe vì kết quả thi.
Có người trẻ cảm thấy tương lai sụp đổ chỉ sau một dòng tin nhắn từ chối.
Có người xoay sở bao năm, mà vẫn không đủ để mua lại chút tự tin đã mất.Trong khoảnh khắc ấy, ta nghĩ:
Con đã cố hết sức. Nhưng hình như không đủ. Hình như đời này không dành cho con.
2.
Môsê cũng từng ở trong trạng thái ấy.Sau khi bị phát giác giết người, ông bỏ chạy khỏi Ai Cập, nơi từng là cung điện của quyền lực vinh quang và cuộc sống đủ đầy.
Giờ đây, ông trắng tay. Lưu vong nơi đất khách. Làm thuê cho bố vợ.
Có thể ông đã nghĩ: đời mình thế là hết. May ra còn sống dặt dẹo như một mục tử vô danh.Nhưng chính trong tình trạng tan nát đó, Thiên Chúa lên tiếng.
Không la to, không hét lớn, ầm ầm sấm sét, mà bằng một bụi gai cháy mà không tàn, như hình ảnh của một tim đèn còn khói: âm ỉ mà không lụi.Chúa gọi tên ông: “Môsê, Môsê… Ta đã thấy nỗi khổ cực của dân Ta… Ta xuống để giải thoát.” (Xh 3,4-8)
Khi Môsê tưởng đời mình đã khép lại, thì Chúa bắt đầu viết một chương hoàn toàn mới. Vinh quang. Lẫy lừng.
Thiên Chúa có thể bắt đầu một công trình vĩ đại từ chính nơi tưởng chừng không còn gì.3.
Đôi khi, chúng ta cũng đang ở trong sa mạc đời mình:Nơi thế giới dỗi hờn và quay lưng với sự tử tế.
Nơi mọi cố gắng xem ra chẳng sinh hoa trái gì.
Nơi ta thấy mình giới hạn, kém cỏi, yếu nhược.Chúng ta đã làm tất cả: học hành nghiêm túc, làm việc cật lực, cầu nguyện chân thành, sống tử tế.
Nhưng “mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên”, điều ấy ta chỉ thấm thía khi mọi sự đổ vỡ.Và rồi, ta thảng thốt đặt câu hỏi:
Chúa ở đâu giữa tất cả những thất bại này?
4.
Câu trả lời bắt đầu bằng một chân lý lặng lẽ:
Thiên Chúa không hành động theo nhịp thời gian của con người.Chúng ta thường nghĩ:
“Chúa ở đâu khi con gặp hoạn nạn?”
“Tại sao con đã cầu xin rất nhiều mà vẫn chưa được?”
“Chuyện đó xảy ra quá trễ rồi, còn gì vớt vát được nữa đâu…”Chúng ta sống với một chiếc đồng hồ gấp gáp. Mong muốn kết quả tức thì. Nhưng Thiên Chúa không vội. Ngài không đến sớm, cũng không đến muộn. Ngài đến khi “giờ” đã tới, khi hoàn cảnh chín muồi, tâm hồn đã sẵn sàng, và khi hành động của Ngài mang lại hoa trái cứu độ trọn vẹn.
Đó không phải là trì hoãn, nhưng là sự trung tín vượt thời gian.
Dân Israel bị nô lệ 430 năm trước khi được giải thoát (Xh 12,40).
Chúa Giêsu sống âm thầm 30 năm trước khi bắt đầu sứ vụ.
Mẹ Maria canh thức trong âm thầm, giữ lời trong lòng mà không hiểu hết.
Thánh Monica khóc và cầu nguyện suốt 18 năm cho đứa con lạc lối.Khi “giờ” đến, như thác nguồn, không gì ngăn được ân sủng.
5.
Tin Mừng theo thánh Mátthêu (12,14-21) trích lại lời ngôn sứ Isaia về Đấng Tôi Trung:“Người không kêu to, không khoe khoang; cây lau bị dập, Người không đành bẻ gãy; tim đèn còn khói, Người không nỡ tắt đi.”
Đây không chỉ là văn chương.
Đây là chân dung thật của Thiên Chúa:Không bao giờ kết thúc một con người bằng thất bại của họ.
Không bao giờ lấy điểm rớt làm bản án cho một cuộc đời.
Không bao giờ đóng sập mọi cánh cửa.
Không bao giờ ngoảnh mặt làm ngơ trước kẻ yếu lòng.Ngài không bỏ rơi người mỏi mòn,
mà kiên nhẫn giữ lại cả chút ánh sáng cuối cùng,
để từ đó làm nên một bình minh tươi đẹp.Và quả thật, nơi dường như là tận cùng, như thập giá của Đức Giêsu lại là điểm bắt đầu cho sự sống vĩnh cửu.
Không có buổi chiều Thứ Sáu Tuần Thánh nào kéo dài mãi.
Vì sáng Chúa Nhật Phục Sinh luôn đến, theo giờ của Chúa.6.
Có thể hôm nay chúng ta vẫn chưa hiểu được:Tại sao giấc mơ mình tan vỡ.
Tại sao cơ hội lại vụt mất vào phút cuối.
Tại sao mình đã cố gắng rất nhiều mà kết quả vẫn là… trắng tay.Nhưng như Môsê, như bao người từng đứng nơi tận cùng, chúng ta sẽ nhận ra:
Chính nơi ta tưởng chẳng còn gì, Thiên Chúa đang ủ lửa một điều gì rất lớn.
Chính nơi ta cảm thấy mọi sự đổ sập, ngài đang dự tính cho một kế hoạch tương lai.Sự thinh lặng của Ngài không phải là thờ ơ.
Mà là sự canh thức của một người thợ gốm đang nắn lại hình dạng của chiếc bình vỡ.Nếu hôm nay ta cảm thấy đời mình chỉ là tim đèn còn khói, là cây lau bị dập,
xin hãy cố đừng để nỗi sợ làm nát tâm hồn.
Bởi vì, ta chưa từng bị loại trừ khỏi ánh nhìn của Thiên Chúa.
Chúng ta đang được ấp ủ, được giữ gìn, được yêu thương
không phải vì chúng ta mạnh mẽ, mà vì Thiên Chúa quá dịu dàng.7.
Trong tĩnh lặng, chúng ta ngẫm nghĩ và ngoái nhìn lại:Không có thất bại nào vô nghĩa nếu nó đưa ta đến gần Thiên Chúa hơn.
Không có giấc mơ nào mất trắng nếu nó giúp ta hiểu rằng: con người không sống chỉ nhờ thành công.
Và không có đêm tối nào kéo dài mãi, nếu ta đủ can đảm để chờ ánh sáng đến theo giờ của Chúa.
———
Antonio Nguyễn Quang Tuấn
(Gợi hứng: Xh 12,37-42 và Mt 12, 14-21, thứ Bảy, tuần 15, năm lẻ)