• TÌM HIỂU VỀ LỄ LÁ

      1. Tên gọi: CHÚA NHẬT THƯƠNG KHÓ hay CHÚA NHẬT LỄ LÁ

      2. Tại sao gọi là Lễ Lá?

      Chúa Nhật Lễ Lá phát xuất từ việc tưởng nhớ Chúa Giêsu vào Thành Giêrusalem, được dân chúng vừa cầm lá vừa tung hô. Vì thế, Lễ Lá có một nghi thức đặc biệt: giáo dân cầm lá và đi kiệu lá để tôn vinh Thiên Chúa.

      3. Phụng vụ có gì đặc biệt?

      Phụng vụ ngày nay bao gồm sự kết hợp của hai nghi thức nguyên thủy và những đặc tính riêng biệt, nhưng về cơ bản chúng có sự phối hợp với nhau; các nghi thức ấy, trong lịch sử phụng vụ đã phát triển khác nhau, và luôn luôn tách biệt rõ ràng. Đó là:

      Làm phép và rước lá, như là một sự tôn vinh Chúa Kitô, và công khai tuyên bố vương quyền của Ngài.
      Tưởng niệm cách trọng thể cuộc thương khó và cái chết của Chúa Kitô.
      Do đó, hai nghi lễ này muốn diễn tả hai thành phần chính yếu của Mầu nhiệm Vượt qua: Cuộc khổ nạn ê chề của Chúa Kitô và đề cao vai trò cứu thế của Ngài, hình thành cách súc tích bức tranh về các biến cố trọng đại được tưởng niệm trong tuần thánh này.

      4. Ý nghĩa của ngày Chúa Nhật Lễ Lá là gì?

      – Chúa Nhật Lễ Lá là việc tưởng niệm cuộc vào thành Giêrusalem long trọng của Chúa Giêsu trước khi Người chịu khổ hình và chết.

      -Ý hướng thứ hai của Lễ Lá là ngày lễ để tôn kính Chúa Kitô là Vua.

      -Với ý nghĩa thứ ba, Chúa Nhật Lễ Lá nhắc cho chúng ta biết sống trên đời là đối đầu với đau khổ, vì lễ Lá dẫn đưa chúng ta vào cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, chuẩn bị chúng ta chiêm ngắm cái chết đau thương của Người trên đồi Canvê.

      5. Loại lá gì dùng trong Lễ Lá?

      Khi xưa, dân chúng đã cầm nhành lá thiên tuế để tung hô Chúa Giê-su. Vào thời cổ đại, những cây thiên tuế được tôn kính như là những cây thánh. Tại phương Đông, người ta vinh danh các quân nhân chiến thắng bằng việc trao cho họ những cành lá thiên tuế.

      Tại Việt Nam, cây thiên tuế có thể sống ở khắp nơi. Trong ngày Lễ Lá, chúng ta không chỉ sử dụng cành thiên tuế, nhưng cũng còn sử dụng lá dừa, và thậm chí cả lá cau nữa để đi rước. Sở dĩ như thế là vì cây dừa và cây cau cũng cùng thuộc họ cọ với cây thiên tuế, nhưng lại phổ biến và dễ dàng kiếm được hơn.

      6. Lá được làm phép để làm gì?

      Lá được làm phép để thánh hóa chúng, nghĩa là dâng hiến chúng cho Chúa, qua đó nhắc nhở chúng ta Chúa Ki-tô là Thiên Chúa vinh thắng.

      Sau khi được làm phép, lá được giữ lại tại các gia đình, nhưng đừng coi lá đó như “bùa hộ mệnh” hoặc coi lá đó có thể chữa bệnh, trừ tà, hoặc ngăn ngừa tai họa, vì như vậy là mê tín dị đoan.

      7. Lá cần được giữ gìn như thế nào?

      Theo Giáo luật Công Giáo, những vật thánh đã được làm phép thì không được phép quăng vào thùng rác, mà phải được hành xử cách tôn trọng (điều 1171).

      Từ nhiều thế hệ, người ta vẫn dùng lá đã làm phép để trang trí nhà của họ. Có thể đơn giản là treo chúng sau ảnh tượng thánh hay Thánh Giá, hoặc biến chúng thành hình những hoa hồng bằng lá dừa. Và đến Mùa Chay năm sau có thể gom lại tại Giáo Xứ để đốt dùng cho ngày Thứ Tư Lễ Tro.