• NIỀM HY VỌNG KITÔ GIÁO, GIẢI PHÁP CHO CON NGƯỜI THỜI NAY

      Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương

      WHĐ (12/4/2025) – Việc tái suy tư, sống và làm chứng về niềm hy vọng Kitô giáo cho con người hôm nay là điều hết sức cần thiết, thời sự và ý nghĩa đối với mỗi người Kitô hữu nhằm giúp mang lại lời giải đáp cho các vấn đề hiện sinh của thế giới đương đại.

      Dẫn nhập

      Thế giới xã hội con người hiện đại thế kỷ XXI một đàng vui mừng chứng kiến những đổi thay và phát triển ngoạn mục về kinh tế, khoa học, kỹ thuật, nhưng đàng khác lại đối diện và kinh nghiệm những đau khổ, bệnh tật, chiến tranh, thiên tai và nhân tai… Dù có nhiều của cải và tiện nghi hơn, con người vẫn đau đáu trong lòng nhiều nỗi lo lắng, khủng hoảng và thất vọng. Trong bối cảnh ấy, năm 2025 là Năm thánh được Đức Giáo hoàng Phanxicô khai mở với chủ đề: “Hy vọng không làm thất vọng” (Rm 5,5). Logo Năm thánh được vẽ bằng biểu tượng bốn con người cùng nhau tiến bước, bám theo thập giá Chúa Kitô với chủ đề: “Những người hành hương của hy vọng.”[1] Như thế, hy vọng là chủ đề chính của Năm thánh. Theo Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, cuộc khủng hoảng lớn nhất của con người thời nay là khủng hoảng về niềm hy vọng, nguyên nhân dẫn tới khủng hoảng về đức tin và đức mến.[2] Việc tái suy tư, sống và làm chứng về niềm hy vọng Kitô giáo cho con người hôm nay là điều hết sức cần thiết, thời sự và ý nghĩa đối với mỗi người Kitô hữu nhằm giúp mang lại lời giải đáp cho các vấn đề hiện sinh của thế giới đương đại.

      Tôi sống vì tôi hy vọng

      Nếu triết gia Descartes nói rằng: “Cogito, ergo sum – tôi suy tư, nên tôi hiện hữu,” thì ta có thể nói: “Tôi sống vì tôi hy vọng.” Thật vật, tự bản chất con người sống là hy vọng. Nếu không có hy vọng, con người sẽ chết, nếu có sống thì cũng chỉ sống lây lất không có chất. Khi nói đến điều này, tôi nhớ đến một linh mục vốn là người bà con với tôi, khi còn khoẻ mạnh, mỗi lần lễ an táng của giáo dân mình, ngài giảng rất hùng hồn và rất xác tín vào sự sống mai sau. Nhưng ngài lâm bệnh ung thư gan và biết mình không thể sống lâu nữa, ngài cầm tay người cháu đến thăm và thều thào rằng: “Cháu hãy giúp chạy chữa cho chú, chú muốn sống thêm một thời gian nữa.” Nhưng sau đó không lâu, ngài phải từ trần vì căn bệnh quá hiểm nghèo. Câu chuyện này cho thấy: ngay cả lúc thập tử nhất sinh, con người vẫn hy vọng và nhờ hy vọng đó mà người ta sống.

      Chi tiết xin xem tại: https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/niem-hy-vong-kito-giao-giai-phap-cho-con-nguoi-thoi-nay .