• LUẬN ÁN TIẾN SĨ CỦA ĐỨC LÊÔ XIV LÀM SÁNG TỎ TẦM NHÌN CỦA NGÀI ĐỐI VỚI GIÁO HỘI

      Brendan Towell

      WHĐ (20/5/2025) – Từ lâu trước khi được bầu làm giáo hoàng, Đức Lêô XIV đã suy ngẫm về thẩm quyền, sự vâng phục và sự hiệp thông. Luận án tiến sĩ năm 1987 của ngài cung cấp một dự kiến ấn tượng về sự lãnh đạo đang dần hiển lộ.

      Trước khi trở thành Giáo hoàng, Đức Lêô XIV là Linh mục Robert Prevost thuộc Dòng Augustinô, một tu sĩ trầm lặng nghiên cứu về hoạt động bên trong của đời sống thánh hiến. Ngài đã lấy bằng cử nhân giáo luật tại Đại học Giáo hoàng Thánh Tôma Aquinô (Angelicum) ở Rôma vào năm 1984, sau đó là bằng tiến sĩ vào năm 1987. Luận án của ngài có tựa đề: “Chức vụ và thẩm quyền của Bề trên địa phương trong Dòng Thánh Augustinô” thoạt nhìn có vẻ mơ hồ – nhưng giờ đây có thể cung cấp cái nhìn sâu sắc có giá trị về phong cách giáo hoàng mà ngài sẽ trở thành.

      Tôi đã có cơ hội đọc luận án của Đức Giáo hoàng Lêô nhờ sự hỗ trợ của Tỉnh dòng Thánh Thomas Villanova và Nhóm Thư viện và Lưu trữ Falvey tại Đại học Villanova. Có lẽ với mong muốn được thấy một người xuất thân từ truyền thống Augustinô suy tư về triều đại giáo hoàng này, mà họ đã cho phép tôi tiếp cận tài liệu. Không phải mọi nhà nghiên cứu đều có thể được trao cùng một sự tin tưởng, và tôi không coi nhẹ điều đó. Tôi biết ơn cộng đoàn Augustinô, và hy vọng bài viết này có thể phần nào diễn tả được chiều sâu phong phú của những gì tôi đã khám phá.

      Sau đây là cái nhìn tổng quan về cách tác phẩm đầu tiên này có thể giúp soi sáng về trực giác và tầm nhìn của vị Giáo hoàng mới.

      Quyền lực thầm lặng của Giáo hoàng Lêô XIV

      Khi Đức Giáo hoàng Lêô XIV trở nên quen thuộc hơn với đàn chiên của mình, thì các thành viên của đàn chiên cũng trở nên quen thuộc hơn với người chăn chiên mới của họ. Các thông điệp, tông huấn, bài diễn văn và bài giảng sẽ đến vào đúng thời điểm. Nhưng ngay cả bây giờ, có những dấu hiệu cho thấy ngài mang một điều gì đó sâu sắc hơn: một tầm nhìn thần học được hình thành bởi nhịp điệu lặng lẽ, thận trọng của cuộc sống người tu sĩ Augustinô.

      Tầm nhìn đó trở nên rõ ràng đến kinh ngạc khi tôi đọc luận án của Đức Thánh Cha. Tác phẩm không tập trung vào các cấu trúc toàn cầu hay chính trị giáo hội, mà vào đơn vị nhỏ nhất, thân mật nhất của đời sống tôn giáo: cộng đoàn địa phương. Trong chi tiết về cách một bề trên lãnh đạo anh em mình, Cha Prevost trình bày một nền thần học về thẩm quyền cổ xưa như Tin mừng và luôn cấp thiết như mọi khi.

      Khi Cha Prevost viết về vị tu viện trưởng địa phương, ngài không chỉ đưa ra bình luận về sự lãnh đạo của tu viện. Ngài đang trình bày một mô hình quản trị rõ ràng đang mở rộng lên. “Cộng đoàn” của Đức Giáo hoàng hiện là Giáo hội hoàn vũ. Các nguyên tắc tương tự về sự hiệp nhất, sự phân định và phục vụ được áp dụng – chỉ khác là hiện nay trên tầm mức toàn cầu.

      Một trong những tiếng nói quan trọng nhất được nêu ra trong luận án là tiếng nói của Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Đoạn trích dài nhất trong toàn bộ tác phẩm này xuất phát từ bài phát biểu năm 1982 của Đức Giáo hoàng Ba Lan dành cho các tu sĩ dòng Augustinô tụ họp tại nhà nguyện của Trường Quốc tế của Dòng ở Rôma. Đức Gioan Phaolô II nhắc nhở họ rằng bản sắc của họ không chỉ được định hình bởi Luật của Thánh Augustinô mà còn bởi nền tảng pháp lý mà Giáo hội trao cho họ: “Dòng tu của anh em… có Giáo hội – Mẹ thánh thiện – là người sáng lập thực tại pháp lý của dòng”.

      Đối với Cha Prevost, đây không phải là một sự mâu thuẫn mà là sự hội tụ: Đặc sủng thiêng liêng của Augustinô và thẩm quyền thể chế của Giáo hội cùng nhau xác định ý nghĩa của việc lãnh đạo. Lời khuyên của Đức Giáo hoàng – “Hãy hành động theo cách mà Giáo hội là gì trên bình diện chung … có thể trở thành sự thật cho mỗi cộng đoàn của anh em” – trở thành một loại tiếng gọi tập hợp. Thẩm quyền, theo góc nhìn này, luôn mang tính giáo hội: được tiếp nhận, cấu trúc và sống vì lợi ích của sự hiệp thông.

      Trọng tâm của tầm nhìn này là một giáo hội học đặc biệt – một sự hiểu biết về cách Giáo hội được cấu trúc và lãnh đạo. Luận án của Đức Lêô XIV trình bày một tầm nhìn về Giáo hội không phải là một hệ thống phân cấp chỉ huy, mà là một sự hiệp thông của các cộng đoàn, gắn kết với nhau bởi thẩm quyền vừa mang tính pháp lý vừa mang tính mục vụ, vừa mang tính tinh thần vừa mang tính thể chế.

      Bài viết đầy đủ xin xem tại: https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/luan-an-tien-si-cua-duc-leo-xiv-lam-sang-to-tam-nhin-cua-ngai-doi-voi-giao-hoi .