• Nhật ký thiêng liêng (14/6/2025): Nhãn mác đủ sức lay động lương tri?

      ❤️ Cuộc chiến đem lại niềm tin?

      Việt Nam đã bước vào một cuộc chiến không tiếng súng, nhưng đầy tan hoang và thương tổn của lòng người: cuộc chiến với hàng giả.

      Không chỉ là chuyện tem mác, nhãn hiệu, mà là chuyện của niềm tin bị xâm phạm, lương tri bị rao bán, sự thật bị bào mòn từng ngày bởi những lớp vỏ hào nhoáng.

      Nếu đi đến tận cùng, một cách thực tâm, táo bạo, quyết liệt, không màu mè, không pha trộn lợi ích của bất kỳ ai, thì cuộc chiến ấy sẽ mang lại nhiều hơn cả điều người ta mong đợi.

      Không chỉ là sự minh bạch của thị trường.
      Mà là chiến thắng của niềm tin, của sự bình an, của hy vọng.
      Là khởi đầu cho một thời kỳ mà người tiêu dùng có thể an tâm khi xuống tiền, và người sống thật không còn thấy mình chới với giữa muôn vàn ngụy tạo.

      Dù cái giá phải trả chắc chắn không hề nhỏ.

      Diễn tiến trên “chiến trường” thật khốc liệt:
      • Những bãi rác bên đường chất đầy thực phẩm chức năng, mỹ phẩm mang những cái tên quen thuộc.
      • Những ki-ốt, quán xá vội vã đóng cửa khi bóng dáng lực lượng chức năng xuất hiện.
      • Những vụ án bị khởi tố, những can phạm bị bắt giữ, liên quan đến hàng hóa từ “trên trời dưới đất”, không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng.

      Hàng giả là hàng không thật. Không chính hãng. Ăn cắp bản quyền. Không đúng chất lượng.
      Đó là một hành vi đánh tráo, một sự lừa dối có chủ đích, nhắm vào lòng tin của người tiêu dùng để trục lợi tối đa.

      Từ những thứ tưởng như vô hại như một bộ bàn ghế, một bộ chiếu ngựa tưởng là gỗ quý Lào, Nam Phi, hóa ra chỉ là ván ép phủ PU, được phù phép tinh vi đến mức người trong nghề cũng khó phát hiện.

      Từ thực phẩm, thuốc men, mỹ phẩm (những thứ liên quan trực tiếp đến sức khỏe và sự sống) cũng bị trà trộn, cắt xén, biến tướng bằng công nghệ ngày càng tinh vi.

      Đã từng có thời người ta cảnh báo về “rau hai luống, gạo hai loại”…
      Giờ đây, cái giả đã trở thành một ngành công nghiệp ngầm, với dây chuyền, tổ chức và lợi nhuận khổng lồ.

      ❤️Làm giả nhân cách

      Nhưng điều đáng sợ hơn là: giả không chỉ ở sản phẩm. Giả đã len vào lòng người.

      Giả bằng cấp nhưng địa vị thật.
      Giả năng lực nhưng quyền lực có thật.
      Giả thi công nhưng công trình thật.
      Và cái thật bị rút ruột, bị bôi trát, bị mặc vào một vẻ ngoài hào nhoáng để che giấu sự mục ruỗng bên trong.

      Ai cũng hiểu:
      Một tấm bằng cao cấp không làm nên trí tuệ.
      Một chức vụ không bảo đảm nhân cách đáng ngưỡng mộ.
      Một lớp sơn tường không che được vết nứt ở móng nhà.

      Nguy hiểm nhất không phải là làm giả, mà là chấp nhận cái giả như điều bình thường.
      Khi đó, xã hội không còn lấy sự thật làm thước đo.
      Người thật thà trở thành “ngây thơ”.
      Kẻ gian dối được khen là “biết xoay xở”.

      Chúng ta yêu đồ thật.
      Thích sự chân thành. Ghét bị lừa dối.
      Nhưng lạ thay, chính chúng ta cũng có thể ngụp lặn trong dối trá khi điều đó đem lại lợi ích, dù là bé nhỏ.
      Đôi khi đó là một thói quen vô thức trong xã hội giả dối.
      Đôi khi là nơi trú ẩn cho danh dự, sĩ diện
      hoặc cho một vai diễn đã quá quen đến mức chẳng muốn thoát ra.

      ❤️ Lội ngược dòng

      Cái thật có vẻ mong manh.
      Nhưng chỉ cái thật mới đem lại bình an.

      Giữa một thời đại bị bao vây bởi những lớp vỏ giả, Chúa Giê-su nói một điều tưởng như đơn giản:

      “Hễ ‘có’ thì phải nói ‘có’, ‘không’ thì phải nói ‘không’; thêm thắt điều gì là do ác quỷ.”(Mt 5,37)

      Chúa không chỉ dạy ta đừng thề thốt.
      Ngài mời gọi ta sống điều chân thật. Không cần che đậy, không cần viện dẫn.
      Chỉ cần “có” thì nói “có”, “không” thì nói “không”. Là đủ.

      Nhưng để sống thật, cần dũng khí. Cần can đảm.
      Vì sống thật là chấp nhận bị hiểu lầm. Bị thiệt thòi. Bị cô đơn.

      Dối trá thì dễ sống hơn.
      Dễ được lòng người hơn.
      Dễ có lợi hơn.

      Nhưng…

      Chỉ sự thật mới giữ ta nguyên vẹn, giữa một thế giới bị bào mòn bởi sự xảo trá, quanh co.

      Chúng ta có thể đóng kịch.
      Giả tiếng cười. Giả lời yêu. Giả một con người khác.
      Nhưng không thể giả lương tâm.
      Không thể giả sự bình an khi ở một mình.
      Không thể giả cái nhìn của Thiên Chúa.

      Và cũng không thể giả sự thật. Vì sự thật cuối cùng luôn được đưa ra ánh sáng:

      “Mọi sự kín đáo sẽ được đưa ra ánh sáng, và điều giấu kín sẽ được công bố trên mái nhà.” (Lc 8,17)

      Antonio Nguyễn Quang Tuấn
      ———
      (Gợi hứng từ Lời Chúa hôm nay thứ 7, tuần X, 2025)