• Nhật ký thiêng liêng 22/6/2025: Để không ngã gục trên đường về

      💫 Chiến tranh nào rồi cũng qua,
      nhưng những vết cắt nó để lại thì rất lâu mới lành.
      Phải mất nhiều năm, có khi là nhiều thế hệ, để một vùng đất được tái thiết, để một xã hội tìm lại nhịp sống ổn định.

      Không chỉ là chuyện nhà cửa đổ nát, đường sá tan hoang.
      Hậu chiến là những dòng người thất nghiệp.
      Là cơn đói bủa vây, là bệnh tật rình rập.
      Là những đứa trẻ không còn trường để đến, không còn tuổi thơ để vui chơi.
      Cái nghèo không chỉ hiện diện trong những con số thống kê khô cứng,
      nó có mặt trong từng bữa cơm thiếu, trong ánh mắt lo âu của người mẹ, trong tiếng thở dài lặng lẽ nơi người cha.

      Ở tầm lớn, người ta gọi đó là khủng hoảng nhân đạo.
      Một cụm từ nghe có vẻ trang trọng, nhưng thực chất chỉ là cách nói mỹ miều cho nạn đói, cho cảnh không có lấy một hạt gạo hay giọt nước sạch để tồn tại.

      💫 Một cơ thể sống không thể thiếu ăn.
      Tổ tiên đã nói: “Có thực mới vực được đạo”. Nghe thì đơn giản, nhưng đó là một chân lý đầy tính hiện sinh.
      Khi cái bụng còn đói, người ta không thể nghĩ đến chuyện đạo lý.
      Khi thể xác rã rời vì thiếu dinh dưỡng, còn ai đủ sức để hy vọng, để học hành, để nghĩ đến tương lai?

      Nhu cầu ăn uống không phải là điều gì tầm thường.
      Nó là nền tảng trong tháp nhu cầu của Maslow – như một đài móng cho mọi vươn lên khác.
      Phải sống đã. Phải thở. Phải ăn.
      Rồi mới mơ đến những điều cao đẹp hơn.

      Nhưng nỗi đói của con người không chỉ đến từ thể xác.
      Còn có một loại đói khác âm thầm hơn mà nếu không để ý, người ta dễ bỏ quên.
      Đó là cơn đói của việc không thuộc về, không hòa nhập, không hiểu và không được hiểu.

      Cũng vậy, con người không chỉ cần ăn để sống.
      Con người là một hữu thể xã hội – một sinh thể không thể tách rời khỏi cộng đồng.
      Chúng ta không sống như những hòn đảo, mà luôn trong mối tương quan với người khác:
      ngôn ngữ, văn hoá, tập quán, luật lệ, và cả những hệ giá trị luân lý…
      tất cả là phần đất mà ta phải bén rễ vào để có thể sống một cuộc sống có nghĩa.

      Khi một người phải rời bỏ quê hương để đến một xứ sở xa lạ,
      cái đói không chỉ đến từ bao tử.
      Đôi khi, sự chênh vênh còn đến từ nỗi cô độc giữa đám đông,
      khi chẳng ai nói tiếng nói của mình, chẳng ai hiểu ánh mắt hay nỗi sợ thầm kín trong lòng.
      Anh ta phải gồng mình để tồn tại:
      học cách diễn đạt, cách sống, cách phản ứng sao cho “đúng chuẩn”, để không bị xem là kỳ quặc hay đáng ngờ.
      Mỗi ngày là một cuộc dò dẫm để không bị loại trừ.

      Và chính trong những khoảnh khắc ấy, ta thấy rõ một điều tưởng như đơn giản:
      thuộc về một nơi chốn, một cộng đồng, là một nhu cầu sâu xa không kém gì cái ăn, cái mặc.
      Không ai sống mãi trong tư cách kẻ ngoài cuộc.

      💫 Đời sống tinh thần cũng vậy.
      Con người không chỉ sống nhờ ăn uống, hay nhờ sự hiện diện giữa cộng đồng,
      mà còn nhờ những gì nuôi dưỡng tâm hồn từ bên trong.

      Để trưởng thành cách hài hoà và có chiều sâu,
      anh phải học. Không chỉ là học chữ, mà học cách cảm, cách nghĩ, cách phân định.
      Phải mở lòng ra trước thế giới,
      phải tiếp nhận qua từng cửa ngõ tinh tế của cảm giác, tri giác, tư duy, và cả tưởng tượng.

      Con người cần những giá trị cao đẹp để sống có hồn.
      Cần văn hoá, để biết đặt mình trong một mạch sống lớn hơn cá nhân.
      Cần nghệ thuật, để học cách ngạc nhiên và lắng nghe điều thinh lặng nói gì trong thế giới náo động.
      Cần những biểu tượng, những câu chuyện, những giai điệu, những vần thơ…
      để tìm lại cái đẹp và cái thiêng trong một cuộc sống dễ dàng bị cuốn vào chao đảo, xô bồ.

      Nếu không có đời sống tinh thần, con người rất dễ biến thành cái xác biết đi,
      sống mà như không thực sự sống,
      làm việc mà như cỗ máy vận hành không cảm xúc.

      💫 Và rồi, đến một lúc,
      người ta nhận ra:
      ngoài sự sống thể lý, ngoài đời sống xã hội và tinh thần,
      chúng ta còn có sự sống linh hồn.
      Sự sống được mạc khải qua đức tin. Sự sống không đo lường được bằng cảm giác hay tri thức thường nghiệm.

      Đó là sự sống phát xuất từ Thiên Chúa.
      Và sự sống ấy cũng cần được nuôi dưỡng.

      Như thân xác cần bánh,
      linh hồn cũng cần một thứ lương thực để tồn tại, lớn lên, và thăng hoa.

      Không ai có thể tự mình sống đời sống thiêng liêng nếu không tiếp nhận,
      nếu không để Chúa nuôi mình,
      nếu không mở lòng cho Ngài chiếm lấy.

      Trong đời sống đức tin, “ăn”
      chính là để cho Chúa ngự vào,
      để Ngài tỏ cho ta thấy những thực tại vượt quá khả năng con người:
      về Nước Trời, về tình yêu không biên giới, về căn tính làm con trong gia đình Thiên Chúa.

      “Ăn” còn là đón lấy chính thân thể và máu Ngài,
      để sự sống của Đấng Phục Sinh chảy trong dòng máu mình,
      để mỗi nhịp đập trong tim ta cũng trở thành nhịp đập của yêu thương, tha thứ và hiệp thông.

      Chúa không chỉ ban cho ta ý tưởng về sự sống đời đời.
      Ngài trao chính mình
      làm lương thực nuôi linh hồn.

      💫 Bí tích Thánh Thể không chỉ là một nghi thức.
      Không chỉ là một thói quen đạo đức để giữ cho “đủ lệ”.

      Đó là lương thực từ trời, là của ăn đàng cho hành trình về quê thật.
      Chính Đức Kitô đã nói:
      “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì được sống muôn đời.”
      Không phải là lời ẩn dụ.
      Đó là lời hứa. Và là điều kiện.

      Không có Thánh Thể, sự sống linh hồn dần hao mòn.
      Niềm tin cũng nhạt phai.
      Và lòng mến thì dễ biến thành một ký ức xa xăm.

      💫 Thế nhưng, đau lòng thay,
      nhiều người đã quên đi tầm quan trọng sống còn ấy.
      Họ coi việc rước lễ là một “chọn lựa thêm”,
      một phần phụ của đời sống đạo,
      chứ không phải là nguồn sống chính yếu.
      Họ đi lễ mà không cảm thấy đói.
      Họ sống mà không cảm thấy thiếu.

      Có lẽ bởi họ chưa từng cảm nhận cái đói của linh hồn.
      Chưa từng quỵ ngã trong đời sống nội tâm mà thấy mình cần Chúa đến thế.
      Chưa từng đi qua đêm tối thật sự, để nhận ra:
      chỉ ai mang Thánh Thể trong mình, mới không bị bóng tối nuốt chửng.

      Bí tích Thánh Thể là vé vào Nước Trời,
      không vì ta “xứng đáng” nhờ công trạng,
      mà vì chính Ngài đã tự ban mình làm của ăn dẫn ta về quê nhà.
      Ai không tiếp nhận Ngài, thì lấy gì để đi trọn hành trình?
      Ai không mang lấy Ngài, thì đến đâu để gặp lại sự sống?

      💫
      “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.”
      (Ga 6,51)

      💫
      Antonio Nguyễn Quang Tuấn
      —————————