VẺ ĐẸP “NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ” ĐONG ĐẦY NIỀM HY VỌNG
———————
Trời về khuya. Trong khoảnh khắc lặng lẽ của một ngày sắp khép lại, tôi tình cờ mở lại cuốn tiểu thuyết “Những người khốn khổ” (Les Misérables) của Victor Hugo.
Chỉ là một cái nhìn thoáng qua trang mục lục, vậy mà từng chương, từng nhân vật, từng nỗi đau của kiếp người lại hiện về trong ký ức như một vệt sáng từ xa vọng lại, nhưng vẫn đủ sức lay động.Dù đã đọc từ lâu, nhưng mỗi lần nhìn lại, tôi vẫn bị đánh động như lần đầu. Không chỉ vì câu chuyện, mà vì những con người với những vết thương và cả những ánh sáng tưởng như mong manh, nhưng lại đủ soi rọi cả một đời.
Họ là những con người ở dưới đáy xã hội, khốn cực cả thể xác lẫn linh hồn.
Đó là Jean Valjean, biểu tượng của lòng trắc ẩn, của sự hối lỗi và sức mạnh của một cuộc hoán cải.
Đó là Javert, đại diện cho luật pháp cứng nhắc và công lý không khoan nhượng. Một con người tin rằng: người xấu thì phải bị trừng phạt, và không thể trở thành người tốt lành.
Đó là Fantine, hình ảnh của người phụ nữ bị xã hội tàn nhẫn chà đạp, một biểu tượng của nỗi đau và tình mẫu tử. Một phụ nữ nghèo, đơn thân nuôi con gái là Cosette, bị ruồng bỏ, buộc phải bán tóc, răng và cả thân xác để nuôi con.
Đó là Cosette, biểu tượng của hy vọng và sự tinh khôi, là khuôn mặt non trẻ của tương lai và sự đổi mới.
Đó là Marius Pontmercy, chàng thanh niên trí thức, yêu nước, và có trái tim nhân hậu.Nỗi khốn khổ của họ không chỉ là cái đói, cái rét. Mà là phẩm giá bị lãng quên, là nhân vị bị gạt ra rìa cuộc sống. Là một quá khứ đeo đẳng suốt năm tháng ngày dài, dù họ đã thực sự đổi thay. Là những định kiến nặng như xiềng sắt, khiến từng bước chân hướng thiện trở nên khó nhọc. Là cuộc vật lộn giằng co thầm lặng giữa ánh sáng và bóng tối, giữa những điều chưa thành hình và cả một giấc ngủ chập chờn, chưa kịp nguôi ngoai.
Giữa bối cảnh xã hội ấy, có một ngọn đèn đủ sáng cho một đêm đen vờn đục, âm thầm nuôi dưỡng hy vọng cho những người cùng khổ, và làm điểm tựa cho lòng thương xót nhân hậu của Chúa. Đó chính là giám mục Myriel.
Hai cây nến bạc mà giám mục Myriel trao lại cho Valjean không chỉ là món đồ quý, mà là một ngọn lửa thiêng liêng. Một ngọn lửa ông không giữ lại cho mình, nhưng gửi gắm như một hạt giống ánh sáng.
Và Jean Valjean, bằng chính cuộc đời được hoán cải, đã không để ngọn lửa ấy tắt đi.
Ông thắp lên nó, nơi bóng tối sâu nhất của một con người, để rồi trở thành ánh sáng cho những người khác đi tiếp hành trình khốn khổ của mình.💌 Thế giới hôm nay, những người khốn khổ vẫn hiện diện đó như những con người thấp cổ bé họng bị đẩy ra chiến tuyến.
Mưa bom, đạn lửa.
Những cô gái điếm nhìn chưa thấy tương lai.
Những người mẹ đơn thân vật lộn với cái ăn cái mặc để cho con có chút danh vị trong xã hội.
Những thân phận bị coi như món hàng trao đổi trong các bản hợp đồng hôn nhân, tình dục, lao động.
Những tù nhân tuyệt vọng vì bị xã hội trả thù chứ không phải cải hóa.
Những người tha hương cầu thực bị lừa lọc, rồi oằn lưng gánh cả khối nợ không tên.
Những người sống sót sau cơn đói, cơn dịch, sau nhà tù, nhưng không sống nổi trước sự lạnh lùng của người đời.Họ chênh vênh trên đường đời, và có lẽ, chưa một lần gặp được một vị giám mục nhân hậu như Myriel, người dám nhìn họ bằng ánh mắt của Chúa.
Nhưng điều đó không có nghĩa là lòng thương xót đã biến mất khỏi thế gian.Dĩ nhiên, vẫn có những người may mắn gặp được hơi ấm nơi ánh mắt của một nữ tu, trong bàn tay của người thiện nguyện, giữa một trại phong, một hành lang bệnh viện, hay một mái nhà nhỏ nơi vùng sâu…
Những con người bình thường, không phẩm phục, không chức vị, nhưng âm thầm dệt nên lòng nhân của Chúa bằng chính sự hiện diện bền bỉ của họ bên cạnh người đau khổ.Và biết đâu, chính chúng ta cũng được mời gọi để trở nên những “ngọn nến bạc” ấy không rực rỡ, nhưng đủ sáng để thắp hy vọng cho một ai đó đang lạc lối.
Cuộc đời đâu phải lúc nào cũng cho ta trở thành giám mục hay anh hùng. Làm điều tốt đẹp, thắp lên một ngọn lửa hy vọng… đâu cần đến địa vị. Chỉ cần giữ một chút ánh sáng trong tay, và sẵn lòng trao nó đúng lúc như Myriel đã từng làm.
——
Antonio Nguyễn Quang Tuấn