GIỮA PHỒN HOA, LÒNG NHỮNG MUỐN VỀ NHÀ
Truyền thống Do Thái và truyền thống Việt Nam tuy khác nhau, nhưng cùng chia sẻ một nét đẹp thiêng liêng: tôn kính nguồn cội và khát vọng được yên nghỉ nơi quê nhà.
Đó là khởi đầu, và cũng là điểm cuối của một hành trình đời người.Đau đáu một hồn quê. Dù đi xa, thì quê hương vẫn ở lại trong tim.
Có những người, phần lớn đời sống là nơi đất khách, nhưng trong tim, dường như không nguôi ngoai khi nhắc về quê cũ.
Có những người đi hàng ngàn cây số, vượt qua bao khó khăn, chỉ để về thắp một nén nhang, nhặt nhạnh vài ngọn cỏ lá cây bên mộ phần người thân. Rồi lặng lẽ rời đi, với những bước chân nặng nề.
Có những người tìm về chốn xưa, chỉ để thăm lại một con đường, một thửa ruộng, một bờ đê. Rồi lầm lũi quay đi, mang theo bao nỗi niềm cũ.
Có những người dồn tâm, dồn lực suốt cả một hành trình đời, chỉ để cất lên một nơi thờ tự, một mái nhà nhỏ để có chỗ mà về.
Dù đang ở giữa chốn phồn hoa đô thị, giữa những mối quan hệ bận rộn và giằng chéo, vẫn có những người đàn ông lớn tuổi rưng rưng khi nhắc đến một dòng sông, một góc phố, một bãi phi lao.
Xứ lạ không ôm nổi trái tim hướng về nguồn cội. Bởi nơi đó, một mạch ngầm âm thầm chảy trong huyết quản chưa bao giờ ngưng nghỉ.
💌 Khi lần giở lại những trang Thánh Kinh, ta bắt gặp một nỗi trăn trở rất người: nỗi khát khao được trở về.
Với người Do Thái, việc được chôn cất trên đất Israel là điều hệ trọng.
Không chỉ vì đó là quê hương của tổ tiên, mà vì đó là miền đất Thiên Chúa đã thề hứa. Từng bụi cây, từng vết chân đều gợi nhắc đến giao ước.Ai chết nơi đất khách, lòng vẫn đau đáu hướng về nơi ấy. Không chỉ là nỗi nhớ quê, mà là nỗi mong mỏi được yên nghỉ trong lòng Lời Hứa, nơi con người không chỉ trở về với đất, mà còn trở về với căn tính được Thiên Chúa gọi tên.
Trước khi nhắm mắt, ông Gia-cóp đã không quên dặn các con: “Hãy chôn cha nơi mộ tổ, nơi đất Ca-na-an…”
Không phải vì đất ấy tốt hơn Ai Cập,
mà vì đó là nơi cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và dân Người đã bắt đầu. Gia-cóp muốn được trở về đó, không phải để kết thúc, mà để đặt trọn niềm tin vào một khởi đầu mới, nơi cái chết không phải là đoạn kết, mà là cánh cửa mở ra phía hẹn ước của Thiên Chúa.Cũng vậy, ông Giu-se, người từng được nâng lên hàng quyền thần nơi đất Ai Cập, lại không xin được ở lại trong vinh quang, mà chỉ xin một điều nhỏ bé: “Khi Thiên Chúa viếng thăm anh em, hãy đưa hài cốt tôi lên khỏi đây.”
Giữa chốn phồn hoa, tim ông vẫn đập theo nhịp của một lời hứa xa xưa. Một người trọn niềm tin. Dù đã được bù đắp bằng mọi vinh hiển trần gian, ông vẫn không quên rằng dân mình còn đang trên đường trở về.
Về quê, không chỉ là một nơi chốn,
mà là về với Thiên Chúa, Đấng đã chọn, đã gọi, và luôn đợi chờ.💌 Ngày nay, với tiện nghi và dịch chuyển, nhiều người sống như thể không cần gốc rễ. Họ lao vào hiện tại, phó mặc tương lai. Chuyện về già, chuyện hậu sự… không còn bận tâm. Mảnh đất quê, nấm mộ tổ, dần trở thành ký ức của một thời xưa cũ.
💌 Ki-tô giáo không đặt nền trên một vùng đất thiêng cố định. Chúng ta không cần đi về một chốn cũ để tìm lại giao ước, vì chính Đức Ki-tô đã trở nên mảnh đất sống động, nơi mỗi người có thể trở về, không bằng đôi chân, mà bằng trái tim. Không bằng những chuyến đi, mà bằng ở lại. Ở lại để lắng nghe tiếng thì thầm của giao ước tình yêu. Một giao ước được viết bằng thần khí, và in trong tâm khảm.
Ngài không chờ ta ở đầu núi cuối sông, nhưng ở ngay đây, giữa lòng đời bận rộn, trong từng khoảnh khắc quay lại,
trong từng lời thầm thĩ: Lạy Chúa, con đây.Và thật ra, mọi cuộc trở về đều bắt đầu từ một tiếng gọi rất khẽ: “Hãy trở về với Ta nối kết tình cách xa bao năm qua.”
Thân xác chúng ta là tro bụi. Nhưng nếu chúng ta cùng chết với Đức Ki-tô, chúng ta sẽ cùng sống với Người. Tin vào quyền năng và lòng trung tín của Thiên Chúa, thì chuyện chôn cất ở đâu không còn là điều quá quan trọng.
Điều quan trọng là: chúng ta có sống với Ngài từng ngày hay không.Sống trọn vẹn trong yêu thương, thánh thiện, gắn bó với Ngài, chính là đang đi trong Ngài, hiện diện trong Ngài. Và đó là niềm hy vọng không bao giờ đánh mất. Là sự an ủi sâu xa nhất khi nghĩ về cái chết. Là niềm khích lệ cho hành trình đời này.
Vì ta không đi một mình. Ta đi với Ngài. Và ta đang trên đường về nhà.
———
Antonio Nguyễn Quang Tuấn
(Gợi hứng: Bài đọc 1, thứ 7, tuần 14, năm lẻ, St 49,29-32 ; 50,15-26a)