TÌM NGÀI Ở ĐÂU, KHI NGƯỜI LÍNH CANH NGÁI NGỦ? (Nhật ký thiêng liêng 22/7/2025)
1.
“Suốt đêm, trên giường ngủ, tôi tìm người lòng tôi yêu dấu.
Tôi đi tìm chàng mà đâu có gặp !”Lời than ấy trong Diễm Ca không chỉ là tâm trạng của một thiếu nữ yêu đơn phương, mà là tiếng lòng của mọi linh hồn khao khát Thiên Chúa. Đó là nỗi thao thức của người tín hữu giữa những đêm tối đức tin. Khi cầu nguyện trở nên lặng câm, phụng vụ trở nên khô khan, hình thức, và bóng dáng của Chúa dường như khuất xa. Đó là đêm tối đức tin và khát vọng mong mỏi thấy hừng đông của một người tìm kiếm ánh sáng.
Có những người bước vào nhà thờ không để “giữ đạo”, mà để tìm một Đấng sống động. Nhưng họ ra về hụt hẫng. Bởi họ chưa gặp được ai ngoài những bài giảng vô hồn, những ánh mắt lạnh tanh, và những người gác cửa đã không còn ở đó để chỉ đường.
2.
Maria Mađalêna là hình ảnh sống động của người kiếm tìm không biết mỏi. Bà đã tìm kiếm Chúa đến tận cùng, vượt qua mọi rào cản như sợ hãi, bóng đêm, vắng lặng. (Bạn thử một mình đi ra nghĩa trang lúc 4h sáng xem cảm giác ấy như thế nào.)
Khi trời chưa sáng, bà đã đến mồ. Khi các môn đệ quay về, bà ở lại. Và khi mọi sự chìm trong im lặng, bà bật khóc:
“Người ta đã lấy mất Chúa tôi!”Nỗi đau ấy không chỉ là mất một người thân yêu, mà là cảm giác tan biến của điều linh thiêng. Bao người từng nếm vị ngọt của Lời Chúa, của cầu nguyện, của ơn gọi. Nhưng rồi bỗng chốc tất cả trở nên nhạt nhòa. Mờ đục. Chán nản. Thất vọng.
Chính trong nước mắt ấy, Chúa hiện ra. Không rực rỡ, không uy nghi, nhưng trong dáng vẻ của một người làm vườn. Đơn sơ và khiêm hạ. Và chỉ bằng một tiếng gọi: “Maria!”, Ngài trao lại cho bà điều quý giá nhất: một cuộc gặp gỡ Đấng Phục Sinh.
3.
Maria tưởng Ngài là người làm vườn. Và điều tưởng như nhầm lẫn ấy lại là một mạc khải tuyệt vời.Chúa Giêsu chính là người làm vườn và là người canh gác đích thực. Ngài chăm sóc khu vườn tâm hồn nhân loại, canh giữ những linh hồn đang thao thức, và gọi tên từng người giữa đêm tối.
Khu vườn ấy, xưa kia là nơi con người lẩn trốn (St 3), giờ lại là nơi Chúa phục sinh hiện ra. Ngài làm vườn, không phải vì trồng cây, mà để khơi lại sự sống.
Ngài không chỉ là Đấng bị tìm kiếm, mà còn là Đấng giúp chúng ta gặp được chính Thiên Chúa. Là cầu nối, là ánh sáng, là con đường dẫn lối.
Người lính canh mô phạm không rời vị trí, không ngủ quên, không vắng mặt, không đưa người ta về với mình, mà dẫn họ về với Cha.4.
Trong ánh sáng ấy, mỗi linh mục, tu sĩ, giáo lý viên, và cả cha mẹ, người lớn đều được trao sứ mạng làm người lính canh. Họ có nhiệm vụ: bảo vệ (nhận thức được hiểm nguy và đưa ra cảnh báo kịp thời); cầu nối (giữa Chúa và người tìm kiếm) và người chỉ đường, dẫn lối.Không chỉ canh giữ, nhưng còn bảo vệ mầm đức tin non nớt, cầu nguyện cho người lạc đường, và chỉ đường về với Chúa bằng chính đời sống thánh thiện và sự hiện diện đầy yêu thương.
• Khi một người bước vào nhà thờ, họ phải gặp được Chúa qua ánh mắt của người canh gác.
• Khi một đứa trẻ được dạy cầu nguyện, đó là nhờ người cha, người mẹ đã thức canh cho linh hồn con mình.
• Khi một tân tòng tìm đến đức tin, cần một ai đó nhẹ nhàng dắt tay họ, như Gioan Tẩy Giả từng nói: “Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại.”Người lính canh không giữ người đi tìm cho mình, mà giới thiệu họ đến với Đấng họ yêu, họ khao khát kiếm tìm.
5.
Thế nhưng, có những người canh gác đã bỏ quên vị trí, vắng mặt, lơ là nhiệm vụ:
• khi chạy theo trào lưu, tìm ảnh hưởng, nhưng không còn cầu nguyện.
• cuốn vào hoạt động tầm phào, rộn ràng, vô bổ, nhưng thiếu chiều sâu nội tâm.
• đặt mình làm trung tâm và người khác chỉ gặp họ, chứ không gặp được Chúa.Ơn gọi không vụt tắt trong một ngày, nhưng rỉ rả hao mòn qua những sáng thiếu thinh lặng, những tối thiếu xét mình, những lời giảng không còn được sinh ra trong cầu nguyện.
Khi người lính canh bỏ quên sứ mạng, người đi tìm sẽ rơi vào lạc lối.
Và điều đau lòng hơn cả: người ấy có thể bỏ cuộc, không vì Thiên Chúa vắng mặt, mà vì chẳng còn ai đưa họ đến với Chúa.Nếu người đi tìm không còn tìm thấy gì ngoài sự thờ ơ, vô trách nhiệm
thì liệu họ sẽ còn đi bao lâu nữa?6.
Nếu bạn là một người canh, xin đừng rời vị trí.
Dù bạn là linh mục, tu sĩ, cha mẹ, giáo lý viên, hay chỉ là một người bình thường sống đức tin.Ai đó đang đi tìm.
Đừng để họ lạc đường chỉ vì bạn không còn đứng ở chỗ mình được mời gọi đứng.Và nếu bạn đã mệt, đã xao lãng, đã rời xa… xin hãy trở về.
Không cần điều lớn lao.
Chỉ cần bắt đầu lại với một lời cầu nguyện thật lòng,
một phút thinh lặng bên Thầy Chí Thánh.
một ánh mắt biết nhìn người khác với lòng thương xót.Maria đã nghe tiếng gọi: “Maria!”. Bà đã gặp.
Bạn cũng có thể nghe lại tiếng gọi ấy, nếu bạn biết dừng chân và lắng nghe.
Tiếng gọi không phải lúc nào cũng vang, nhưng có thể là âm thầm nhẹ nhàng tựa như tiếng gió hiu hiu thổi nhẹ, như giọt mưa lách tách bên hiên nhà.7.
Diễm Ca hôm nay kết bằng một lời đơn sơ:
“Tôi đã tìm thấy người tôi mến.”Không phải là cái kết nhẹ nhàng.
Đó là hoa trái của hành trình tìm kiếm giữa đêm tối, nước mắt và lòng trung thành.Chúa vẫn đang ở đó.
Vấn đề là: người tìm có còn đi? Còn khắc khoải?
Và người canh có còn ở vị trí được giao và còn thức?Đêm đã dài. Người kiếm tìm vẫn chưa ngủ. Và người canh… có còn thức hay đang ngái ngủ, mơ màng?
——
Antonio Nguyễn Quang Tuấn
(Gợi hứng từ lời Chúa thánh lễ kính thánh Maria Madalena: Dc 3,1-4a và Ga 20,1-2.11-18)